Vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù

  • Xử lý trường hợp “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” trên Facebook
  • Trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân viên hàng không có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
  • Xử phạt hành chính 6 người sử dụng Facebook xúc phạm danh dự của lực lượng CSGT

PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá, TS Nguyễn Văn Niên, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân để có cái nhìn từ góc độ pháp lý đối với tình trạng này.

Thượng tá, TS Nguyễn Văn Niên.

PV: Thưa TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên, vừa qua, có một số cá nhân khi livestream đã thu hút rất nhiều người theo dõi trên các mạng xã hội thậm chí lập kỷ lục số người theo dõi với nội dung hoàn toàn tự phát. Ông có đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Để đánh giá về hiện tượng này, trước hết chúng ta phải xác định rõ mạng xã hội là gì? Mạng xã hội thực chất là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Vì vậy, mạng xã hội được xác định là môi trường công cộng theo quy định của pháp luật. Môi trường công cộng này rất rộng lớn khác với một công viên, một quảng trường, một cái chợ, nó không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Một địa chỉ của mình trên mang xã hội là một chỗ đứng của mình nơi công cộng, mọi hành vi, ứng xử của mình đều được mọi người biết.

Từ đó có thể xác định, cái được gọi là hiện tượng trên mạng xã hội như livestream, viết, đưa ảnh lên mạng xã hội và kể cả bình luận các nội dung đó đều là các hành vi xã hội của các chủ thể nơi công cộng. Các chủ thể phải có trách nhiệm với hành vi của mình tại nơi công cộng và phải chịu trách nhiệm khi hành vi đó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác.

PV: Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao nhiều người “bất chấp” để livestream, chia sẻ thông tin, bài viết trên mạng xã hội ngay cả khi những nội dung này có thể vi phạm pháp luật?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Nguyên nhân trực tiếp và đầu tiên có lẽ xuất phát từ nhận thức của người dùng về mạng xã hội. Khi có một ứng dụng mạng xã hội, hầu như mọi người chỉ chú ý tác dụng của nó mà không để ý đến tác hại. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng trang mạng xã hội cá nhân của mình như Youtube, Facebook, Instagram, Zalo là của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bức bội, uất ức để trút bỏ lên đấy để giải tỏa như là tâm sự riêng. Nhiều người khi thấy có thông tin mới cứ vô tư share, like mà không cần biết nội dung là gì. Bên cạnh đó, một số người lại khai thác giá trị của mạng xã hội để phục vụ cho lợi ích của mình mà họ không chú ý đến tác hại xã hội của nó, chỉ đến khi bị cơ quan có thẩm quyền xử lý họ mới nhận ra đó là vi phạm pháp luật.

Thứ hai, có lẽ một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ các cơ quan quản lý. Khi cho phép một ứng dụng mạng xã hội nào đó được phép hoạt động cần nghiên cứu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân để họ hiểu được bản chất của mạng xã hội và xác định các tác hại có thể gây ra cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng để mọi người tránh. Thứ ba, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nên việc phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên mạng xã hội còn những khó khăn nhất định, dẫn đến nhiều người có hành vi vi phạm nhưng không bị xử lý, tạo cảm giác an toàn cho một số người khi thực hiện các hành vi vi phạm trên mạng xã hội.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc livestream trên mạng xã hội là thể hiện quyền tự do ngôn luận. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 đã ghi nhân công dân có quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, Hiến pháp còn bảo đảm các lợi ích khác của cá nhân, xã hội như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Vì vậy, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết, mà tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác cũng được Hiến pháp bảo vệ. Các giới hạn này được thể hiện ở các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật an ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản khác.

PV: Giờ đây, chỉ cần mở mạng xã hội là chúng ta có thể được xem rất nhiều livestream, bài viết, thông tin chỉ để quảng cáo,“câu like”, đánh bóng tên tuổi, thậm chí là ngang nhiên nói tục, chửi bới, xúc phạm người khác. Theo ông, tình trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề trật tự an toàn xã hội?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Như ta đã xác định ở trên, mạng xã hội là môi trường sinh hoạt công cộng của xã hội, vì vậy hành vi livestream, viết, đưa hình ảnh lên mạng xã hội cũng tương tự như việc người đó phát ngôn tại nơi đông người, in bài ra giấy dán ở những không gian sinh hoạt chung để mọi người biết, đặt biển quảng cáo hay có những cách thức khác biệt tại nơi công cộng để được mọi người chú ý.

Mạng không phải là ảo. Mạng là thật, các hành vi của các chủ thể trên đó là thật và họ đều có mục đích hướng tác động đến những người khác trong xã hội. Có lẽ, công nghệ đã làm cho mọi người thực hiện hành vi của mình dễ dàng hơn, không cần gặp trực tiếp nhưng người khác vẫn biết được thông tin làm cho mọi người có cảm giác ảo, chứ thực chất nó hoàn toàn là thật. Chính vì vậy, mọi xử sự của các chủ thể trên mạng xã hội tác động ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội giống như họ làm việc đó ngoài đời thực và thậm chí là mạnh mẽ hơn rất nhiều vì nó không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

Hầu hết những người xây dựng các không gian mạng xã hội đều hướng tới phục vụ tốt hơn cho các hoạt động của con người, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, minh bạch hơn. Nhưng đáng tiếc, có một số bộ phận trong xã hội đã có những hành vi không chuẩn mực trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

PV: Đã có nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để vu khống, lăng mạ, xúc phạm cá nhân, tổ chức bị xử lý theo quy định pháp luật. Vậy, xin ông cho biết hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 hoặc điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155, Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra họ còn phải bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Dân sự nếu có.

PV: Ở mức độ nào thì những hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự? Và các mức xử phạt cụ thể, thưa ông?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 nếu người đưa thông tin từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự và việc đưa thông tin đó đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác là bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thanh danh, sự trong sạch của người khác, làm cho họ mất uy tín với những người xung quanh, với người cùng học tập, công tác hoặc với những người thân trong gia đình… Việc sử dụng mạng xã hội được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Hành vi đưa thông tin lên mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015 nếu người đưa thông tin từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Việc sử dụng mạng xã hội cũng được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội vu khống và có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Nếu vì động cơ đê hèn hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

PV: Ông có đề xuất như thế nào để ngăn chặn tình trạng người sử dụng mạng xã hội sử dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tiếp (livestream), chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung phản cảm, thô tục thậm chí vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thưa ông?

TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên: Từ các nguyên nhân trên, để ngăn chặn tình trạng người dùng mạng xã hội sử dụng các tính năng của mạng xã hội như phát các video clip, chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung phản cảm, thô tục thậm chí vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức ta cần tiến hành thực hiện tốt ba việc:

Thứ nhất, cần có các biện pháp tuyên truyền rộng rãi cho toàn thể cộng đồng biết về bản chất của mạng xã hội, các giá trị cũng như tác hại của mạng xã hội và đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên mạng xã hội cũng như hậu quả pháp lý mà người sử dụng có thể bị gánh chịu nếu vi phạm.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu các mạng xã hội được cấp phép hoạt động phải có những khuyến cáo đến người dùng và định kỳ hiện lên trang để cảnh báo cho người dùng về những vi phạm, đồng thời phối hợp với các công ty cung cấp ứng dụng và các công ty viễn thông, công ty cung cấp hạ tầng mạng Internet ngừng cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức vi phạm khi cần thiết.

Thứ ba, cần nghiên cứu để có các biện pháp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo mức độ vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để răn đe giáo dục chung đối với toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn TS, Thượng tá Nguyễn Văn Niên!

Related Posts

Top 10 những điều cần biết về luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

Top 10 những điều cần biết về luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những những điều cần biết về luật an ninh mạng dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm những…

Top 9 mẫu bài dự thi tìm hiểu luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

Top 9 mẫu bài dự thi tìm hiểu luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những mẫu bài dự thi tìm hiểu luật an ninh mạng dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm…

Top 9 luật an ninh mạng những điều cần biết chuẩn – Globalizethis

Top 9 luật an ninh mạng những điều cần biết chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những luật an ninh mạng những điều cần biết dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm những sự…

Top 10 luật an ninh mạng cấm chuẩn – Globalizethis

Top 10 luật an ninh mạng cấm chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những luật an ninh mạng cấm dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm những sự lựa chọn phù…

Top 10 câu hỏi trắc nghiệm về luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

Top 10 câu hỏi trắc nghiệm về luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những câu hỏi trắc nghiệm về luật an ninh mạng dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm những…

Top 10 bài tuyên truyền luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

Top 10 bài tuyên truyền luật an ninh mạng chuẩn – Globalizethis

https://globalizethis.org tổng hợp và liệt ra những bài tuyên truyền luật an ninh mạng dưới đây hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm những sự lựa…

Leave a Reply