Luật Đấu thầu: 09 điểm nổi bật nhất

Đấu thầu là hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường, có thể nói đấu thầu là một phương thức giao dịch đặc biệt. Luật Đấu thầu 2013 ra đời đã khắc phục không ít lỗ hổng trong hoạt động đấu thầu được điều chỉnh trước đó bởi Luật Đấu thầu 2005. Dưới đây là tổng hợp 09 điểm nổi bật nhất.

1. Đấu thầu là gì?

Theo khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình.

Thực chất đấu thầu là một hoạt động thương mại. Trong đó bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện với mục tiêu hướng tới là lợi nhuận, còn bên mời thầu có mục tiêu xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ.

Đấu thầu là gì? (Ảnh minh họa)

2. 08 hình thức đấu thầu trong nước

Theo quy định tại các điều từ Điều 20 đến Điều 27 Luật Đấu thầu 2013, có 08 hình thức đấu thầu trong nước, trong đó có:

– Đấu thầu rộng rãi: Hình thức đầu thầu không hạn chế số nhà đầu tư tham gia dự thầu;

– Đấu thầu hạn chế: Hình thức này được áp dụng đối với trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc yêu cầu có một số kỹ thuật đặc thù khác. Chỉ những nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu mới tham gia dự thầu được, tuy nhiên mỗi gói thầu phải có ít nhất 03 nhà đầu tư tham gia dự thầu.

– Chỉ định thầu: Chủ thầu lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng nhu cầu của gói thầu để thương lượng và ký hợp đồng.

Hình thức chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; Gói thầu di dời các công trình để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng…

– Mua sắm trực tiếp: Áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.

Hình thức này được thực hiện đối với nhà thầu đã trúng thầu và ký hợp đồng trước đó, đáp ứng đủ các điều kiện về đơn giá, nội dung, tính chất, quy mô gói thầu, thời gian ký hợp đồng của gói thầu trước đó…

– Chào hàng cạnh tranh: Hình thức này được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức quy định và thuộc các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường; gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi gói thầu đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, có dự toán được phê duyệt và đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

Ngoài ra còn một số hình thức khác như: Tự thực hiện; Tham gia thực hiện của cộng đồng…

Các hình thức đấu thầu trong nước (Ảnh minh họa)

3. Hướng dẫn đăng ký đấu thầu qua mạng mới nhất

Đầu thầu qua mạng là hình thức đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo quy định tại Chương I Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BKHĐT-BTC, thủ tục đăng ký đấu thầu qua mạng được thực hiện như sau:

– Bước 1: Đăng ký thông tin;

– Bước 2: Nhận mã phê duyệt và số tham chiếu;

– Bước 3: Nhận chứng thư số;

– Bước 4: Đăng ký người sử dụng chứng thư số.

Cách thức thực hiện:

– Đăng ký trên máy tính, thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thành phần hồ sơ:

– Đối với Bên mời thầu:

+ Đơn đăng ký Bên mời thầu;

+ Bản sao công chứng quyết định thành lập của tổ chức đăng ký;

+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật của tổ chức đăng ký;

– Đối với Nhà thầu:

+ Đơn đăng ký Bên mời thầu;

+ Bản sao công chứng giấy phép đăng ký kinh doanh của tổ chức đăng ký;

+ Bản sao chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật của tổ chức đăng ký.

Số lượng hồ sơ:

– 01 bộ hồ sơ gồm các thành phần trên.

Thời hạn giải quyết: 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký.

Cơ quan thực hiện: Bộ Kế hoạch và đầu tư quản lý hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Có tên trong cơ sở dữ liệu của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, được cấp chứng thư số tham gia nghiệp vụ đấu thầu qua mạng.

Lệ phí:

– Đối với Bên mời thầu: miễn phí;

– Đối với nhà thầu: 500.000 VNĐ.

Hướng dẫn đăng ký đấu thầu qua mạng (Ảnh minh họa)

4. Phân biệt hồ sơ năng lực và hồ sơ mời thầu

– Mục đích sử dụng:

+ Hồ sơ dự thầu sử dụng để tham gia đấu thầu dự án.

+ Hồ sơ năng lực sử dụng để giới thiệu, truyền tải tên tuổi, và các thông tin quan trọng về công ty.

– Nội dung:

+ Hồ sơ dự thầu: Nội dung của hồ sơ dự thầu bao gồm các nội dung về năng lực gói thầu, năng lực công ty, biện pháp thi công, giá dự thầu.

+ Hồ sơ năng lực bao gồm các nội dung: Tầm nhìn sứ mệnh (Giá trị cốt lõi), thông điệp/cam kết của người đại diện theo pháp luật công ty, giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm dịch vụ; giới thiệu văn hóa công ty; lịch sử hình thành phát triển; thành tựu đạt được;…

Nội dung về năng lực công ty là nội dung không bắt buộc phải có trong hồ sơ dự thầu, tùy theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

– Cách thức lập hồ sơ:

+ Hồ sơ dự thầu: Để lập được hồ sơ dự thầu phải đọc kỹ bản vẽ thi công, làm y nguyên và đầy đủ các biểu mẫu theo hồ sơ mời thầu gửi kèm, các nội dung về biện pháp thi công, giá phải dựa vào yêu cầu của hồ sơ mời thầu để xây dựng.

+ Hồ sơ năng lực: Để lập được hồ sơ năng lực thì phải nắm được các thông tin cơ bản về công ty, đồng thời có các tài liệu về pháp lý, tình trạng kinh doanh…của công ty.

Hình thức và nội dung của hồ sơ năng lực tùy thuộc vào quá trình hình thành và hoạt động của doanh nghiệp và ý chí của người lập hồ sơ. Thông thường, mỗi doanh nghiệp sẽ có một form mẫu chuẩn của hồ sơ năng lực.

– Cách thức nộp hồ sơ:

+ Hồ sơ dự thầu: Nộp đúng theo hướng dẫn và yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

+ Hồ sơ năng lực: Không có quy định bắt buộc về cách thức nộp.

Phân biệt hồ sơ dự thầu và hồ sơ năng lực (Ảnh minh họa)

5. Hồ sơ mời thầu trong nước không được quá 2 triệu đồng/bộ

Tùy quy mô, tính chất gói thầu, chủ đầu tư quyết định phê duyệt mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với đấu thầu trong nước, nhưng không quá 2 triệu đồng/hồ sơ mời thầu và 1 triệu đồng/hồ sơ yêu cầu.

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP, theo đó, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định phê duyệt mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2 triệu đồng đối với hồ sơ mời thầu.

Theo đó chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu bao gồm: Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời nhà thầu sơ tuyển; chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm…

Khoản thu từ bán hồ sơ mời thầu sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định được chi cho các nội dung phục vụ tổ chức mở thầu, như: Chi vật tư văn phòng; chi hội nghị; chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc…

6. 05 trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu

Về nguyên tắc bảo đảm dự thầu đều được hoàn trả tuy nhiên theo khoản 8 Điều 11 Luật Đấu thầu 2013 trong các trường hợp sau sẽ không được hoàn trả:

– Nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

– Nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu, cụ thể: Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

– Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;

– Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

– Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Khi nào bảo đảm dự thầu không được hoàn trả? (Ảnh minh họa)

7. Khi nào được chỉ định đấu thầu thuốc?

Thông tư 11/2016/TT-BYT hướng dẫn cụ thể về việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu thuốc tại bệnh viện gồm: Đấu thầu rộng rãi; Đấu thầu hạn chế; Chỉ định thầu; Chào hàng cạnh tranh và Tự thực hiện.

Điều 12 Thông tư này quy định chỉ được phép chỉ định thầu khi triển khai các gói thầu:

– Mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;

– Gói thầu mua thuốc, vật tư y tế không quá 01 tỷ đồng

– Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm phát sinh đột xuất theo nhu cầu đặc trị được Bộ Y tế ban hành nhưng chưa đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

– Thuốc chưa có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách như: Dịch bệnh, thiên tai, địch họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh;

– Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, cần mua gấp nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách;

– Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đã được duyệt nhưng trong năm nhu cầu sử dụng vượt số lượng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Các trường hợp không buộc có chứng chỉ hành nghề đấu thầu

Theo Mục 2 Công văn 2683/BKHĐT-QLĐT, có 03 trường hợp không buộc có chứng chỉ hành nghề đấu thầu khi tham gia đấu thầu là:

– Cá nhân thuộc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện một dự án cụ thể và ban quản lý dự án này sẽ giải thể sau khi kết thúc dự án;

– Cá nhân thuộc các phòng của Cục, Vụ, Sở, huyện, doanh nghiệp Nhà nước… tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu theo nhiệm vụ được giao, không hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu.

– Cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu theo hình thức mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm, không thường xuyên, liên tục và không hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách trong lĩnh vực đấu thầu.

Các cá nhân nói trên khi tham gia hoạt động đấu thầu không buộc có chứng chỉ hành nghề nhưng bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.

Các trường hợp không buộc có chứng chỉ hành nghề đấu thầu (Ảnh minh họa)

9. Phạt đến 20 năm tù khi vi phạm quy định về đấu thầu

Khoản 1 Điều 90 Luật Đấu thầu nêu rõ, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đấu thầu sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Nghị định 50/2016/NĐ-CP mức xử phạt hành chính cao nhất với hành vi vi phạm về đấu thầu lên tới 40 triệu đồng, cụ thể áp dụng với hành vi:

– Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

– Cho phép nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu.

Thêm vào đó, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, mức hình phạt cao nhất của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng lên đến 20 năm tù giam nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.

Theo đó, người nào thực hiện các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép… sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.

Related Posts

8 Điểm khác mới giữa Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2005

Một là, đa dạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp giá đánh giá thấp…

Điều kiện, quy trình thủ tục áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp

Mua sắm trực tiếp là một trong các chế định đặc biệt được quy định tại Luật đấu thầu 2013, sửa đổi bổ sung năm 2020. Giải…

Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng cần thống nhất những quy định nào?

>>Dịch vụ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư Những quy định trong 2 bộ Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu vận chưa có sự thống…

Quy định về tổ chuyên gia và tổ thẩm định trong đấu thầu mới nhất

Trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, để tuyển chọn được nhà thầu đáp ứng được tất cả các quy định của bên mời thầu…

Áp dụng cấp doanh nghiệp trong đấu thầu

Áp dụng cấp doanh nghiệp trong đấu thầu. Quyết định phê duyệt gói thầu số 10 phần xây lắp có giá trị 02 tỷ, áp dụng cấp…

Cách xử lý các tình huống thường gặp trong đấu thầu mới nhất năm 2021

Xử lý tình huống là việc giải quyết trường hợp phát sinh trong đấu thầu chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong pháp luật về…

Leave a Reply